Phụ kiện gia công cơ khí được chia làm hai loại: đồ gá và dụng cụ phụ.
Đồ gá là những trang bị phụ dùng để xác định vị trí chính xác của các chi tiết rồi kẹp chặt chúng lại.
– Dụng cụ phụ là những trang bị dùng để kẹp dao.
Đồ gá được chia ra các loại sau đây:
+ Đồ gá gia công : Đồ gá tiện , đồ gá phay, đồ gá khoan…
+ Đồ gá kiểm tra : Gía đỡ đồng hồ so, thiết bị đo độ đồng tâm….
+ Đồ gá lắp ráp
1. Đồ gá gia công
Dựa vào dạng sản xuất ( sản xuất đơn chiếc, sản xuất hàng loạt, sản xuất hàng khối), vào hình dáng và kích thước của chi tiết, người ta chia đồ gá gia công ra các loại: đồ gá vạn năng, đồ gá chuyên dùng, đồ gá vạn năng – lắp ghép, đồ gá tháo lắp và đồ gá vạn năng – điều chỉnh.
1.1. Đồ gá vạn năng
Đồ gá vạn năng được dùng trong sản xuất đơn chiếc, chế thử, trong các phân xưởng dụng cụ và sửa chữa. Đồ gá vạn năng cho phép gá đặt nhiều loại chi tiết khác nhau (có hình dạng và kích thước khác nhau). Các đồ gá vạn năng thông dụng là: mâm cặp các loại, ê tô máy, đầu phân độ, bàn quay, mâm quay… Đồ gá vạn năng có độ chính xác thấp và thời gian gá đặt chi tiết lớn hơn so với các đồ gá khác. Tính vạn năng của đồ gá loại này là khả năng điều chỉnh các chi tiết kẹp chặt.
1.2 Đồ gá vạn năng – lắp ghép
Đồ gá vạn năng – lắp ghép được sử dụng trong sản xuất đơn chiếc hoặc sản xuất hàng loạt nhỏ. Đồ gá loại này được lắp ghép từ những chi tiết đã được chế tạo sẵn và được lưu giữ trong kho. Để có một đồ gá gia công cụ thể người ta chọn một số chi tiết đồ gá được chế tạo sẵn đem lắp ghép với nhau. Thời gian để lắp một loại gá trung bình khoảng 2-3 giờ. Độ chính xác gia công chi tiết trên đồ gá vạn năng – lắp ghép phụ thuộc vào chất lượng lắp ráp, độ mòn và trạng thái của các chi tiết định vị.
1.3 Đồ gá tháo lắp
Đồ gá tháo lắp dùng trong sản xuất hàng loạt nhỏ và hàng loạt vừa. Về chức năng thì nó là đồ gá chuyên dùng, bởi vì nó lắp được cho một loại chi tiết cụ thể giống như đồ gá vạn năng – lắp ghép. Khi lắp loại đồ gá này có thể sửa chữa một số chi tiết và sử dụng một số loại chi tiết chuyên dùng. Ưu điểm của đồ gá loại này là quá trình lắp ráp đơn giản. Nhược điểm của chúng là độ cứng vững không cao do sử dụng các mối lắp ren.
1.4 Đồ gá vạn năng – điều chỉnh
Đồ gá vạn năng – điều chỉnh được dùng trong sản xuất hàng loạt vừa khi việc sử dụng đồ gá chuyên dùng và đồ gá vạn năng không đem lại hiệu quả kinh tế. Đồ gá vạn năng – điều chỉnh gồm các chi tiết được lắp với nhau có điều chỉnh thay đổi. Khi thay đổi chi tiết điều chỉnh thì thân đồ gá và cơ cấu truyền động được giữ nguyên (các chi tiết này là các chi tiết không tháo lắp). Việc kẹp chặt của đồ gá vạn năng – điều chỉnh có thể được thực hiện bằng tay hoặc cơ khí. Cơ cấu kẹp cơ khí có thể được lắp ngay trên đồ gá hoặc lắp riêng biệt.
1.5 Đồ gá chuyên dùng
Đồ gá chuyên dùng được sử dụng cho một nguyên công nhất định, vì vậy nó chỉ được thiết kế cho một chi tiết nhất định. Các đồ gá này cho phép gá đặt nhanh và độ chính xác gá đặt cao. Để giảm giá thành của đồ gá chuyên dùng người ta thường dùng những chi tiết tiêu chuẩn. Thời gian sử dụng đồ gá chuyên dùng là 3-5 năm. Sau thời gian đó đồ gá không đảm bảo độ chính xác cần thiết, cho nên người ta phải thay đồ gá mới.
2. Đồ gá kiểm tra
Đồ gá kiểm tra được dùng để kiểm tra phôi (hoặc chi tiết) ở các nguyên công trung gian hoặc ở nguyên công cuối cùng của quy trình công nghệ, đồng thời nó còn được dùng để kiểm tra các bộ phận lắp ráp của sản phẩm.
3 Đồ gá lắp ráp
Đồ gá lắp ráp được dùng để thực hiện các mối lắp ghép các chi tiết lại với nhau để tạo thành các cụm lắp ráp hoặc sản phẩm. Người ta thường dùng các loại đồ gá lắp ráp như: để kẹp chặt các chi tiết cơ sở của đơn vụ lắp ráp; để gá đặt chính xác các chi tiết lắp ráp; để tạo biến dạng của các chi tiết lắp ráp và để nén, ép khi lắp ráp có nhu cầu.
4 Một số đồ gá điển hình
– Đồ gá Tiện : Theo chức năng đồ gá tiện có thể là:
- Phôi có chuyển động quay (đồ gá mâm cặp, đồ gá nối với trục chính của máy tiện thông qua lỗ côn của trục chính).
- Phôi cố định, dao quay (đồ gá lắp trên sống trượt của bàn máy tiện).
- Đồ gá dao (cơ cấu chép hình, cơ cấu rút dao nhanh).
- Đồ gá lắp trên hai mũi tâm của máy tiện như trục gá.
- Đối với các đồ gá lắp chặt vào trục chính của máy tiện và có chuyển động quay thì khi thiết kế chú ý biện pháp bảo vệ máy, biện pháp an toàn cho công nhân. Cụ thể cần chú ý lực ly tâm, đảm bảo cân bằng động và các chi tiết của đồ gá không có cạnh sắc.
- Kết cấu cụ thể của đồ gá trên như sau:
- Đồ gá nối với trục chính của máy gồm cơ cấu định vị phôi, cơ cấu kẹp chặt phôi, thân gá, bộ phận lắp với máy tiện, cơ cấu phân độ.
- Đồ gá dao gồm bàn dao vạn năng, đầu rơvolve, bàn dao chép hình, cơ cấu rút dao nhanh khi tiện ren.
– Đồ gá Khoan : Đồ gá khoan được dùng trên máy khoan để xác định vị trí tương quan giữa phôi và dụng cụ cắt, đồng thời kẹp chặt phôi để gia công lỗ như khoan, khoét hoặc doa. Ngoài đồ gá còn có các loại dụng cụ phụ để kẹp chặt dao như mang ranh, đầu kẹp nhanh, đầu kẹp ta rô. Đồ gá khoan thường hạn chế cả 6 bậc tự do của chi tiết để xác định đúng lỗ tâm của chi tiết gia công.
– Đồ gá Phay : Khi phay, lực cắt lớn, cắt gián đoạn nên rung động lớn, vì thế đồ gá phay phải đủ độ cứng vững. Kết cấu đồ gá phay gồm: cơ cấu định vị, cơ cấu kẹp chặt, cơ cấu so dao, cơ cấu phân độ, cơ cấu chép hình, cơ cấu gá đặt đồ gá với bàn máy (then dẫn hướng và bu lông kẹp chặt đồ gá với rãnh chữ T của bàn máy)
Mọi thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc báo giá, các bạn hãy liên hệ số hotline: 0911 066 515
Hoặc tới địa chỉ của Nam Dương Tool: Số 12 ngõ 22 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Để được tư vấn hỗ trợ và báo giá tốt nhất
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của chúng tôi, mong bài viết sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình học tập và làm việc!